Mid-page advertisement

Bỏ sổ hộ khẩu: 5 thông tin quan trọng người dân cần biết

Thứ ba - 13/12/2022 22:07
Bỏ sổ hộ khẩu: 5 thông tin quan trọng người dân cần biết
Trong suốt nhiều năm nay, Sổ hộ khẩu luôn là giấy tờ quan trọng chứng minh thông tin cư trú trong phần lớn các thủ tục hành chính. Trước thông tin sắp tới sẽ bỏ Sổ hộ khẩu, rất nhiều người tỏ ra hoang mang chưa rõ thực hư thế nào. Sau đây là toàn bộ thông tin cần biết về vấn đề bỏ Sổ hộ khẩu theo quy định của pháp luật.
 

1. Khi nào chính thức bỏ Sổ hộ khẩu?

Từ ngày 01/01/2023, Sổ hộ khẩu giấy chính thức bị “khai tử” và hết giá trị sử dụng. Việc quản lý thông tin cư trú của công dân qua cuốn Sổ hộ khẩu giấy sẽ được thay thế hoàn toàn bằng phương thức điện tử (hay còn gọi là Sổ hộ khẩu điện tử).

Bỏ Sổ hộ khẩu không phải là không cần đăng ký hộ khẩu, mà có nghĩa là không cần đến cuốn Sổ hộ khẩu giấy khi đi làm các thủ tục hành chính. Nhà nước vẫn duy trì quản lý thông tin cư trú, người dân vẫn cần thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú theo quy định.

Ngoài ra, do không còn giá trị sử dụng trong các giao dịch, thủ tục hành chính nên lúc này, người dân có thể giữ lại cuốn Sổ hộ khẩu cũ như một vật kỷ niệm.

2. Bỏ Sổ hộ khẩu, thay thế bằng giấy tờ gì?

2.1. Giấy xác nhận thông tin về cư trú 

Hiện nay, Sổ hộ khẩu thường được sử dụng để chứng minh thông tin về cư trú khi tham gia các giao dịch, thủ tục hành chính. Khi bỏ Sổ hộ khẩu giấy, công dân có thể sử dụng giấy tờ khác có nội dung tương tự là Giấy xác nhận thông tin về cư trú để thay thế.

2.2. Căn cước công dân gắn chip

Gần đây, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã hướng dẫn các Bộ, ngành sử dụng thông tin trên Căn cước công dân gắn chip thay cho việc xuất trình Sổ hộ khẩu để chứng minh thông tin cá nhân và nơi cư trú khi làm thủ tục tại các cơ quan hành chính Nhà nước.

Căn cước công dân gắn chip là giấy tờ chứa đựng nhiều thông tin quan trọng về lai lịch, nhận dạng của công dân. Do có con chip điện tử kết nối với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư nên thông tin trên thẻ này có mức độ chính xác và bảo mật cao.

Ngoài các thông tin cơ bản được in trên thẻ như: Số Căn cước công dân (số định danh cá nhân); Họ tên khai sinh; Ảnh chân dung; Giới tính; Ngày, tháng, năm sinh; Quốc tịch; Quê quán; Nơi thường trú; Đặc điểm nhân dạng… Con chip trên thẻ Căn cước còn cho phép tích hợp nhiều ứng dụng hiện đại như: Chữ ký số, ứng dụng sinh trắc học…

Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật Căn cước công dân, khi xuất trình thẻ Căn cước, công dân không cần xuất trình thêm giấy tờ khác để chứng nhận các thông tin đã có trên Căn cước công dân.

2.3. Tài khoản định danh điện tử

Trước thời điểm bỏ Sổ hộ khẩu, Chính phủ đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố rà soát, bãi bỏ các yêu cầu xuất trình Sổ hộ khẩu để sử dụng ứng dụng định danh điện tử, thẻ Căn cước công dân, dữ liệu dân cư khi thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính cho công dân tại Nghị quyết 121/NQ-CP ban hành ngày 11/9/2022.

Theo đó, tài khoản định danh điện tử cá nhân là một trong những phương thức thay thế Sổ hộ khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Tài khoản định danh điện tử cá nhân của công dân Việt Nam có 02 mức độ với giá trị sử dụng như sau:

- Mức độ 1: Chứng minh thông tin trong các hoạt động, giao dịch có yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân. Người đã có thẻ Căn cước công dân gắn chíp được tự đăng ký thông qua ứng dụng VNelD trên điện thoại.

- Mức độ 2:

  • Tương đương với sử dụng thẻ Căn cước công dân có yêu cầu xuất trình Căn cước công dân.
  • Cung cấp thông tin về các loại giấy tờ đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử để đối chiếu khi phải xuất trình giấy tờ đó. Ví dụ như thẻ bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe…

Với tài khoản định danh cá nhân mức độ 2, công dân phải đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc nơi làm thủ tục cấp Căn cước công dân để đăng ký.

 

3. Những việc cần làm khi bỏ Sổ hộ khẩu?

Nếu vẫn đang sử dụng giấy Chứng minh nhân dân cũ thì người dân nên đổi ngay sang thẻ Căn cước công dân gắn chip. Bởi lẽ, việc sử dụng Căn cước công dân gắn chip để xuất trình thay Sổ hộ khẩu là tiện lợi nhất.

Khi làm thẻ Căn cước công dân gắn chip, người dân có thể đăng ký cùng lúc tài khoản định danh điện tử cá nhân để sử dụng thay Sổ hộ khẩu trong các thủ tục hành chính trong trường hợp quên không mang Căn cước công dân trong ví.

Hơn nữa, tài khoản định danh điện tử còn có thể tích hợp nhiều loại giấy tờ quan trọng như giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm y tế, giấy chứng nhận tiệm chủng... cùng với hàng loạt các tính năng đáng chú ý như trình báo tội phạm, thanh toán điện tử...

Ngoài ra, người dân cũng có thể xin Giấy xác nhận thông tin cư trú để dùng thay Sổ hộ khẩu trong một số trường hợp bằng cách trực tiếp cơ quan đăng ký cư trú hoặc gửi yêu cầu online qua Cổng dịch vụ công của Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú, Cổng dịch vụ công quốc gia (theo quy định tại Điều 17 Thông tư 55/2021/TT-BCA).

 

4. Bỏ Sổ hộ khẩu giao dịch nhà đất như thế nào?

Với các giao dịch mua bán, chuyển nhượng nhà đất, Điều 40, 41 Luật Công chứng quy định hồ sơ yêu cầu công chứng được lập thành 01 bộ gồm các giấy tờ sau:

- Phiếu yêu cầu công chứng;

- Dự thảo hợp đồng, giao dịch;

- Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng;

- Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó;

- Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có.

Trước đây, giấy tùy thân của người yêu cầu công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất bắt buộc phải có Sổ hộ khẩu. Tuy nhiên hiện nay, các Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cư trú và đất đai về cơ bản đã hoàn thành, kết nối thông suốt giữa các cơ quan, tổ chức, địa phương.

Do đó khi bỏ Sổ hộ khẩu, người dân chỉ cần sử dụng số định danh cá nhân là có thể xác định được chính xác thông tin.


5. Một số câu hỏi thường gặp về bỏ Sổ hộ khẩu giấy


Câu hỏi: Chào LuatVietnam. Em nghe nói từ năm 2023 sẽ thu hồi tất cả Sổ hộ khẩu giấy. Vậy, nếu con em cần đi học theo tuyến hộ khẩu thì phải chứng minh bằng cách nào?

Chào bạn. LuatVietnam xin trả lời bạn như sau:

Theo Điều 3 Luật Cư trú 2020, thông tin về cư trú phải được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Luật này, khi thực hiện đăng ký thường trú, tạm trú, xóa đăng ký thường trú cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú, tạm trú mới, việc xóa đăng ký thường trú của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Ngoài ra, theo Nghị định 37/2021/NĐ-CP, người dân có quyền khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để nộp cho cơ quan Nhà nước khi họ có nhu cầu.

Hình thức khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có thể bằng văn bản yêu cầu cung cấp thông tin hoặc thông qua dịch vụ nhắn tin, Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an...

Như vậy, người dân hoặc các cơ quan liên quan được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ các thủ tục hành chính cần chứng minh cư trú. Việc nhập học của con bạn cũng như vậy, bạn hoặc nhà trường có thể chủ động khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để biết trẻ có hộ khẩu tại địa phương đó hay không và tiến hành tiếp nhận trẻ vào học…


Câu hỏi: Chào luật sư, khi bỏ Sổ hộ khẩu giấy, nếu em muốn thay đổi chủ hộ thì phải làm thế nào?

LuatVietnam xin trả lời bạn như sau:

Căn cứ Điều 26 Luật Cư trú 2020, việc thay đổi chủ hộ thuộc trường hợp điều chỉnh thông tin về cư trú của công dân.

Hồ sơ điều chỉnh thông tin về cư trú gồm:

- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú;

- Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc điều chỉnh thông tin.

Thành viên hộ gia đình nộp hồ sơ đến cơ quan đăng ký cư trú. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm điều chỉnh thông tin về chủ hộ trong Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho thành viên hộ gia đình về việc đã cập nhật thông tin; trường hợp từ chối điều chỉnh thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.


Câu hỏi: Nếu bỏ Sổ hộ khẩu giấy, em phải làm gì để biết được các thông tin hộ khẩu của em trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư?

Chào bạn. Nếu bạn muốn biết và khai thác thông tin về hộ khẩu của mình thì có thể thực hiện theo 03 cách được quy định tại Nghị định 37/2021/NĐ-CP:

- Khai thác bằng văn bản yêu cầu cung cấp thông tin

+ Cơ quan, tổ chức, cá nhân có văn bản yêu cầu cung cấp thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gửi người có thẩm quyền quy định tại Điều 9 Nghị định này.

+ Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu cung cấp thông tin: trường hợp đồng ý cho phép khai thác thông tin thì có văn bản trả lời và cung cấp thông tin cho cơ quan, tổ chức, cá nhân và trường hợp không đồng ý cho phép khai thác thông tin thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

- Khai thác thông qua dịch vụ nhắn tin

Công dân thực hiện khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua dịch vụ nhắn tin theo hướng dẫn của Bộ Công an.

- Khai thác qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh.

Nếu có băn khoăn về các vấn đề liên quan, bạn đọc vui lòng liên hệ: Văn phòng Luật sư Hanel để được hỗ trợ.

Tác giả: Biên tập

Nguồn tin: Tổng hợp:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

VIDEO CÁC HOẠT ĐỘNG

DỊCH VỤ CHÍNH

TƯ VẤN NHANH

Văn phòng 39 Nguyễn An Ninh


Văn phòng TT Vân Đình


Thích Fb của Hanel

THỐNG KÊ

  • Đang truy cập14
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm10
  • Hôm nay2,234
  • Tháng hiện tại17,918
  • Tổng lượt truy cập897,563

Đến với Văn phòng luật HANEL tại thị trấn Vân Đình

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây