Cho phép nộp hồ sơ cấp lại GCN kinh doanh khai thác cảng biển qua cổng dịch vụ công, ban hành chương trình đào tạo về nghiệp vụ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia,...
Văn phòng Luật sư Hanelhttps://luathanel.com/uploads/logo_hanel_2_3.png
Thứ hai - 24/10/2022 23:22
1. Cho phép nộp hồ sơ cấp lại GCN kinh doanh khai thác cảng biển qua cổng dịch vụ công
Đây là nội dung được đề cập tại Nghị định 69/2022/NĐ-CP ngày 23/9/2022 sửa đổi các Nghị định quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải.
Cụ thể, sửa đổi quy định về hình thức nộp hồ sơ cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển như sau:
Doanh nghiệp cảng gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoặc bằng hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng hải Việt Nam 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận.
Hồ sơ bao gồm:
- Tờ khai đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 37/2017/NĐ-CP ;
- Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao điện tử hoặc bản sao điện tử từ sổ gốc hoặc bản sao điện tử có chứng thực từ bản chính Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đối với trường hợp thay đổi thông tin về doanh nghiệp);
- Bản chính hoặc bản sao điện tử hoặc bản sao điện tử từ sổ gốc hoặc bản sao điện tử có chứng thực từ bản chính Phương án khai thác cảng biển của doanh nghiệp cảng (đối với trường hợp thay đổi nội dung về vị trí hoặc quy mô, công năng của cảng biển).
(Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp cảng gửi trực tiếp đến Cục Hàng hải Việt Nam 01 bộ hồ sơ cấp lại Giấy chứng nhận hoặc gửi bằng các hình thức phù hợp khác.
Hồ sơ gồm Tờ khai đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận theo Mẫu số 01 và các tài liệu liên quan đến việc thay đổi nội dung Giấy chứng nhận (nếu có).)
Nghị định 69/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 30/10/2022. 2. Ban hành chương trình đào tạo về nghiệp vụ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH ban hành Thông tư 16/2022/TT-BLĐTBXH về Chương trình đào tạo về nghiệp vụ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia (có hiệu lực từ ngày 21/10/2022).
Trong đó, quy định nội dung chương trình tập trung đào tạo về nghiệp vụ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia, gồm:
- Nghiệp vụ chuẩn bị thực hiện một kỳ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia theo quy mô, đối tượng và các yêu cầu liên quan;
- Nghiệp vụ thực hiện đánh giá và chấm điểm bài kiểm tra kiến thức, bài kiểm tra thực hành trong kỳ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia;
- Nghiệp vụ về giám sát và xử lý các tình huống phát sinh, các hành vi vi phạm (nếu có) trong kỳ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia.
Chương trình đào tạo gồm 5 phần và 5 chuyên đề, cụ thể:
Phần 1: Chuyên đề 1 (Tổng quan về hệ thống đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia và tiếp cận chuẩn quốc tế về đánh giá và công nhận kỹ năng nghề).
Phần 2:
+ Chuyên đề 2 (Công tác chuẩn bị của tổ chức đánh giá trước kỳ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia).
+ Chuyên đề 3 (Công tác chuẩn bị của đánh giá viên trước kỳ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia).
Phần 3:
+ Chuyên đề 4 (Thực hiện đánh giá kiến thức trong kỳ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia).
+ Chuyên đề 5 (Thực hiện đánh giá kỹ năng thực hành trong kỳ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia).
Phần 4: Chuyên đề 6 (Giám sát việc thực hiện tổ chức đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia và xử lý các tình huống phát sinh trong kỳ đánh giá)
Phần 5: Kiểm tra cuối khóa. 3. Bổ sung quy định về yêu cầu có nguồn gốc rõ ràng với động vật đưa vào giết mổ
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư 10/2022/TT-BNNPTNT ngày 14/9/2022 sửa đổi Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y.
Trong đó, bổ sung quy định về yêu cầu có nguồn gốc rõ ràng với động vật đưa vào giết mổ như sau:
- Có Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh (đối với động vật có nguồn gốc từ địa bàn cấp tỉnh khác);
- Có các giấy tờ như hóa đơn, chứng từ, hợp đồng mua bán, Giấy chứng nhận tiêm phòng hoặc các giấy tờ tương đương khác hoặc được kê khai theo Điều 4 Thông tư 23/2019/TT-BNNPTNT (đối với động vật trong địa bàn cấp tỉnh) để có thể truy xuất nguồn gốc.
Đồng thời, yêu cầu động vật đưa vào giết mổ phải khỏe mạnh, bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y; đối với động vật bị tổn thương, kiệt sức do quá trình vận chuyển, không có khả năng phục hồi nhưng không có triệu chứng lâm sàng của bệnh truyền nhiễm được phép giết mổ trước.
Thông tư 10/2022/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 30/10/2022.