1. Vướng mắc trong thi hành bản án, quyết định về lao động
Theo Điều 2 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 – sửa đổi, bổ sung năm 2014 (sau đây gọi tắt là Luật Thi hành án dân sự), thì việc thi hành các bản án, quyết định về lao động (thi hành án lao động) là một trong những loại việc do cơ quan thi hành án dân sự (THADS) tổ chức thi hành. Trong các bản án, quyết định về lao động có rất nhiều loại nghĩa vụ phải thi hành án như: Nghĩa vụ buộc người sử dụng lao động nhận người lao động trở lại làm việc; nghĩa vụ bồi thường tiền lương, tiền công lao động trong thời gian người lao động không được làm việc; nghĩa vụ trợ cấp mất việc làm; nghĩa vụ trợ cấp thôi việc; nghĩa vụ phải bồi thường chi phí đào tạo; các loại nghĩa vụ khác…
Trong quá trình tổ chức thi hành các nghĩa vụ trên, cơ quan THADS, chấp hành viên còn gặp một số vướng mắc nhất định, cụ thể như sau:
Một là, việc tổ chức thi hành án đối với các khoản được thi hành ngay mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị
Với mục đích bảo đảm kịp thời quyền, lợi ích cho người lao động, khoản 2 Điều 2 Luật Thi hành án dân sự, khoản 2 Điều 482 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và mục 1 Công văn số 1103/TCTHADS-NV1 ngày 30/3/2017 của Tổng cục Thi hành án dân sự hướng dẫn một số vấn đề về nghiệp vụ THADS đã quy định những khoản trong bản án, quyết định lao động của Tòa án cấp sơ thẩm được thi hành ngay mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị bao gồm: Khoản trả công lao động, nhận người lao động trở lại làm việc, trả lương, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp mất việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công… khi có yêu cầu thi hành án của đương sự. Tuy nhiên, trong thực tiễn, có nhiều trường hợp, khi cơ quan THADS đã hoặc đang tổ chức thi hành đối với các khoản thuộc diện phải thi hành ngay thì bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị và bản án sơ thẩm đó được xét xử theo thủ tục phúc thẩm. Trong một số trường hợp, cấp xét xử phúc thẩm đã hủy hoặc sửa một số nội dung của bản án sơ thẩm, từ đó phát sinh rất nhiều những hệ quả pháp lý liên quan, như những khoản mà cơ quan thi hành án đã tổ chức thi hành xong một phần hoặc toàn bộ sẽ được giải quyết như thế nào? Hiện nay, các cơ quan THADS rất lúng túng vì chưa có căn cứ pháp lý để giải quyết. Luật Thi hành án dân sự (từ Điều 134 đến Điều 136) chỉ quy định về việc thi hành quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên giữ nguyên bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; quyết định giám đốc thẩm tuyên giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của cấp dưới đã bị hủy hoặc bị sửa; quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, mà chưa có quy định về việc thi hành án đối với bản án phúc thẩm tuyên hủy, sửa bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật nhưng thuộc diện phải thi hành án ngay mặc dù bị kháng cáo, kháng nghị.
Ví dụ, bản án lao động sơ thẩm tuyên Công ty Z phải trả cho ông Nguyễn Văn S số tiền lương là 50 triệu đồng, do Công ty Z ra quyết định sa thải ông Nguyễn Văn S trái pháp luật. Ngay sau ngày tuyên án, ông S có đơn yêu cầu thi hành án và cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu của ông S về khoản buộc Công ty Z phải trả cho ông S khoản tiền lương là 50 triệu đồng và giao cho chấp hành viên tổ chức thi hành án. Nhưng Công ty Z có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm. Tòa án nhân dân có thẩm quyền xét xử phúc thẩm đã tuyên: Sửa bản án lao động sơ thẩm, theo đó buộc Công ty Z phải trả cho ông S khoản tiền lương là 30 triệu đồng. Khi nhận được bản án phúc thẩm, thì chấp hành viên đã thi hành xong khoản Công ty Z phải trả cho ông S 50 triệu đồng bằng biện pháp khấu trừ tài khoản của Công ty Z. Căn cứ vào bản án phúc thẩm, Công ty Z đã có đơn yêu cầu cơ quan thi hành án trả lại cho Công ty số tiền 20 triệu đồng. Vấn đề đặt ra là, cơ quan thi hành án sẽ giải quyết yêu cầu của Công ty Z như thế nào trong khi nếu cơ quan thi hành án yêu cầu ông S trả lại 20 triệu đồng cho Công ty Z thì hoàn toàn không có căn cứ. Hoặc trường hợp bản án phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm thì khoản đã thi hành xong (50 triệu đồng) cũng không được giải quyết mà phải chờ khi có bản án sơ thẩm mới. Đây là vấn đề pháp luật còn bỏ ngỏ, chưa quy định việc thi hành án đối với bản án phúc thẩm tuyên hủy, sửa bản án, quyết định sơ thẩm đã thi hành khi chưa có hiệu lực pháp luật.
Hai là, việc tổ chức thi hành nghĩa vụ buộc nhận người lao động trở lại làm việc
Nghĩa vụ buộc người sử dụng lao động nhận người lao động trở lại làm việc là loại nghĩa vụ thường gặp nhất trong số các nghĩa vụ thi hành án trong bản án, quyết định lao động mà các cơ quan THADS phải tổ chức thi hành. Theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động năm 2012, khi Tòa án tuyên việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, kỷ luật sa thải của người sử dụng lao động là trái pháp luật và người lao động có nhu cầu trở lại đơn vị, cơ quan, tổ chức cũ làm việc, thì đồng thời Tòa án sẽ buộc người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc. Trong thực tiễn, việc thi hành nghĩa vụ này còn gặp phải một số vướng mắc như sau:
(i) Về thủ tục xử phạt vi phạm hành chính: Theo quy định tại Điều 121 Luật Thi hành án dân sự, trường hợp người sử dụng lao động không nhận người lao động trở lại làm việc theo bản án, quyết định thì chấp hành viên ra quyết định phạt tiền đối với người sử dụng lao động là cá nhân hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức sử dụng lao động, đồng thời ấn định thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để người sử dụng lao động thực hiện việc nhận người lao động trở lại làm việc.
Điều 49 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012; Điều 52, Điều 68 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015 của Chính phủ) quy định về mức xử phạt tương ứng với hành vi không thực hiện công việc phải làm theo bản án quyết định, cụ thể là hành vi không nhận người lao động trở lại làm việc. Theo đó, phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện công việc phải làm, không chấm dứt thực hiện công việc không được làm theo bản án, quyết định. Tuy nhiên, với mức phạt như trên thì thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp này là Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự. Do đó, chấp hành viên của Chi cục hay của Cục Thi hành án dân sự đều phải đề xuất Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với người sử dụng lao động là cá nhân hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức sử dụng lao động chứ không thuộc thẩm quyền xử phạt của chấp hành viên đang trực tiếp tổ chức thi hành vụ việc. Việc thực hiện thủ tục xử phạt này trên thực tế gây rất nhiều phiền phức và mất khá nhiều thời gian giải quyết hồ sơ thi hành án của các chấp hành viên[1]. Để tiết kiệm thời gian và giảm bớt thủ tục hành chính, pháp luật cần trao quyền xử phạt hành chính đối với những hành vi không thực hiện công việc nhất định cho các chấp hành viên đang trực tiếp tổ chức thi hành vụ việc đó.
(ii) Về việc xác định khoản tiền thanh toán cho người lao động: Theo quy định tại khoản 2 Điều 121 Luật Thi hành án dân sự, trường hợp người sử dụng lao động không thể bố trí người lao động trở lại làm công việc theo nội dung bản án, quyết định thì chấp hành viên yêu cầu người sử dụng lao động phải bố trí công việc khác với mức lương tương đương theo quy định của pháp luật lao động. Trường hợp người lao động không chấp nhận công việc được bố trí và yêu cầu người sử dụng lao động thanh toán các chế độ theo quy định của pháp luật lao động, thì người sử dụng lao động phải thực hiện việc thanh toán để chấm dứt nghĩa vụ thi hành án.
Điều 42 Bộ luật Lao động năm 2012 cũng quy định: Trong trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động năm 2012, người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2012. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều 42 và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2012, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động. Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động năm 2012, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động. Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.
Như vậy, trong trường hợp người sử dụng lao động không thể bố trí người lao động trở lại làm công việc theo nội dung bản án, quyết định hoặc người lao động không chấp nhận công việc được bố trí và yêu cầu người sử dụng lao động thanh toán các chế độ theo quy định của pháp luật lao động, thì chấp hành viên yêu cầu người sử dụng lao động phải thực hiện việc thanh toán để chấm dứt nghĩa vụ thi hành án. Tuy nhiên, việc xác định các khoản tiền này là rất khó khăn.
Ví dụ: Để tính được trợ cấp thôi việc cho người lao động thì chấp hành viên cần xác định được thời gian làm việc của người lao động để tính trợ cấp thôi việc và tiền lương để tính trợ cấp thôi việc. Việc tính các khoảng thời gian này lại liên quan rất nhiều đến các quy định của pháp luật lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành (Điều 36, Điều 37 và Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2012; Điều 14 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động năm 2012…), đòi hỏi chấp hành viên phải có sự am hiểu pháp luật về lao động và chuyên môn sâu về lĩnh vực này, trong khi đó chấp hành viên cơ quan THADS khó có thể đáp ứng được yêu cầu này.
Thứ ba, đối với việc thi hành án theo khoản 3 Điều 121 Luật Thi hành án dân sự
Tại khoản 3 Điều 121 Luật Thi hành án dân sự quy định: “Người sử dụng lao động phải thanh toán cho người lao động khoản tiền lương trong thời gian chưa bố trí được công việc theo bản án, quyết định, kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi người lao động được nhận trở lại làm việc hoặc được giải quyết theo quy định tại khoản 2 Điều này”. Theo đó, khi người sử dụng lao động không nhận hoặc chậm nhận người lao động trở lại làm việc khi người lao động có đơn yêu cầu thi hành án thì sẽ phải thanh toán cho người lao động khoản tiền lương trong thời gian người sử dụng lao động không nhận hoặc chậm nhận người lao động trở lại làm việc. Với quy định này, hiện có 02 quan điểm khác nhau về việc tổ chức thi hành: (i) Quan điểm thứ nhất cho rằng, trong trường hợp bản án, quyết định của Tòa án không tuyên rõ nghĩa vụ này của người sử dụng lao động thì cơ quan thi hành án không có thẩm quyền thi hành án đối với khoản tiền lương của người lao động từ khi họ có đơn yêu cầu nhận người lao động trở lại làm việc theo bản án của Tòa án đến khi người sử dụng lao động nhận người lao động trở lại làm việc với lý do bản án của Tòa án không tuyên nghĩa vụ này đối với người sử dụng lao động nên cơ quan THADS không có căn cứ để ra quyết định thi hành án (Điều 2 Luật Thi hành án dân sự). Mặt khác, Điều 20 Luật Thi hành án dân sự quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chấp hành viên là thi hành theo đúng nội dung bản án, quyết định, do đó, trong trường hợp bản án, quyết định của Tòa án không tuyên nghĩa vụ này thì cơ quan THADS, chấp hành viên không có thẩm quyền tổ chức thi hành án; (ii) Quan điểm thứ hai cho rằng, cơ quan THADS có thẩm quyền tổ chức thi hành án khoản này với lý do khoản 3 Điều 121 Luật Thi hành án dân sự đã quy định. Vì vậy, cơ quan thi hành án phải ra quyết định thi hành án nếu có đơn yêu cầu của người lao động và có như vậy mới đảm bảo tính răn đe người sử dụng lao động khi không thực hiện các nghĩa vụ theo bản án, quyết định của Tòa án.
Theo nhóm tác giả, việc quy định tại khoản 3 Điều 121 Luật Thi hành án dân sự là cần thiết và phù hợp vì quy định này bảo đảm được quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động khi bản án đã tuyên người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc mà người sử dụng lao động cố tình không chấp hành bản án, không nhận hoặc chậm nhận người lao động trở lại làm việc thì phải chịu trách nhiệm với người lao động đó là phải trả lương cho người lao động. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa quy định rõ khi xét xử Tòa án cần đưa khoản này vào phần quyết định của bản án[2] nên hầu hết các bản án lao động khi tuyên buộc người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc đã không tuyên người sử dụng lao động phải thanh toán khoản tiền lương cho người lao động, kể từ ngày người lao động có đơn yêu cầu cho đến khi người sử dụng lao động nhận người lao động trở lại làm việc. Chỉ khi nào Tòa án đưa nội dung này vào phần quyết định của bản án, thì cơ quan THADS mới có đầy đủ cơ sở pháp lý để tổ chức thi hành án, tránh được sự khiếu nại từ phía các đương sự hoặc sự kháng nghị từ phía các cơ quan có thẩm quyền kháng nghị trong hoạt động THADS.
2. Kiến nghị
Từ những phân tích trên, nhóm tác giả đưa ra một số kiến nghị như sau:
Thứ nhất, cần sớm xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động THADS theo hướng tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thi hành án của chấp hành viên đến 3.000.000 đồng trở lên (hiện nay, mức phạt tiền tối đa mà chấp hành viên có thể áp dụng theo Điều 68 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP là 500.000 đồng).
Thứ hai, bổ sung các quy định pháp luật về việc thi hành quyết định, bản án phúc thẩm đối với các khoản phải thi hành ngay quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Thi hành án dân sự. Đồng thời, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm khi xem xét giải quyết bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm cần giải quyết hậu quả pháp lý đối với các khoản đã được thi hành (khi bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật) trong bản án phúc thẩm.
Thứ ba, khi xét xử các vụ án liên quan đến việc nhận người lao động trở lại làm việc, Tòa án cần tuyên rõ người sử dụng lao động phải thanh toán tiền lương (theo mức lương cơ bản hoặc mức lương mà người lao động được hưởng trước khi buộc thôi việc trái pháp luật hoặc mức lương theo thỏa thuận) cho người lao động, kể từ ngày người lao động có đơn yêu cầu thi hành án đến khi người sử dụng lao động nhận người lao động trở lại làm việc. Việc làm này sẽ tạo cơ sở pháp lý chắc chắn để các cơ quan THADS tổ chức thi hành, giảm tải công việc cho các chấp hành viên, đồng thời đảm bảo việc thực hiện tính toán các khoản tiền này một cách chính xác.
Thứ tư, thi hành các bản án, quyết định về lao động là một loại việc thi hành án có nhiều tính chất đặc thù, không giống các việc thi hành án khác, do đó các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật theo các chuyên đề chuyên sâu về pháp luật THADS nói chung và thi hành các bản án quyết định về lao động nói riêng cho các chấp hành viên, cơ quan THADS, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn cho chấp hành viên trong tổ chức thi hành án đối với các vụ việc này.
Việc thi hành các bản án, quyết định về lao động ngày càng phát sinh nhiều, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thị trường phát triển hiện nay. Do đó, yêu cầu hoàn thiện các quy định pháp luật THADS và các quy định pháp luật liên quan để nâng cao hiệu quả hoạt động thi hành án nói chung và thi hành án đối với các vụ án lao động nói riêng là rất cần thiết và quan trọng.