Nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (hay còn gọi là sổ đỏ, sổ hồng. Riêng với chung cư thì trong bài viết sẽ sử dụng từ sổ hồng chung cư) hiện đang quy định tại Điều 98 Luật Đất đai năm 2013. Trong đó, khoản 2 Điều 98 Luật Đất đai nêu rõ:
2. Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện.
Căn cứ quy định này, nếu nhiều người có chung quyền sử dụng đất, sở hữu chung nhà ở thì sổ hồng chung cư sẽ ghi đầy đủ tên của người có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu chung cư.
Những người có tên trong sổ hồng chung cư có thể yêu cầu cấp riêng mỗi người một sổ hoặc có thể cấp chung bằng một sổ và trao cho người đại diện.
Đồng thời, Điều 9 Luật Nhà ở năm 2014 cũng nêu rõ:
1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đủ điều kiện và có nhà ở hợp pháp quy định tại Điều 8 của Luật này thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) đối với nhà ở đó. Nhà ở được cấp Giấy chứng nhận phải là nhà ở có sẵn.
Theo quy định này, chỉ cần có đủ điều kiện và có nhà ở hợp pháp thì cá nhân, tổ chức sẽ được cấp sổ hồng chung cư đối với căn chung cư đó. Do đó, không có quy định cấm cả cha, mẹ và con cùng đứng tên trên sổ hồng.
Đồng nghĩa, nếu là chủ sở hữu hợp pháp của căn hộ chung cư thì cả gia đình hoàn toàn có quyền có đầy đủ họ và tên trên sổ hồng.Rủi ro khi nhiều người cùng đứng tên trên sổ hồng chung cư
Mặc dù pháp luật không cấm nhiều người cùng đứng tên trên sổ hồng chung cư nhưng khi thuộc trường hợp này, cá nhân, tổ chức cần lưu ý có thể sẽ xuất hiện một số rủi ro và khó khăn dưới đây:
Thứ nhất: Tranh chấp xảy ra
Trong gia đình nói riêng và giữa con người với con người nói chung không thiếu trường hợp xảy ra tranh chấp với nhau. Tuy rằng thông thường, tranh chấp trong gia đình - giữa những người có cùng huyết thống với nhau có thể sẽ dễ dàng giải quyết và hoà giải hơn nhưng không phải chưa từng xảy ra.
Do đó, nếu cả gia đình cùng đứng tên chung trên sổ hồng chung cư, nếu giữa cha mẹ và con cái có sự bất đồng ý kiến thì việc định đoạt, sử dụng, khai thác, hưởng lợi tức từ căn chung cư là tài sản chung này sẽ gặp khó khăn.
Thứ hai: Bị hạn chế quyền sử dụng do sở hữu chung chung cư
Tương tự như lý do thứ nhất, khi các bên có cùng chung quyền sở hữu chung cư thì khi thực hiện bất kì quyền nào của chủ sở hữu cũng cần phải có sự đồng ý của tất cả mọi người. Chỉ cần một trong các đồng sở hữu không đồng ý thì giao dịch liên quan đến căn chung cư đó có thể sẽ bị huỷ bỏ.
Ngoài ra, nếu một trong các đồng sở hữu gặp vấn đề liên quan đến pháp lý và chưa thể thực hiện được các giao dịch ví dụ như con chưa thành niên, con bị hạn chế năng lực hành vi dân sự… khi đứng tên cùng cha mẹ trên sổ hồng chung cư thì giao dịch liên quan đến người đó sẽ không thực hiện được.
Trong khi đó, chung cư không giống nhà đất có thể tách thửa nên nếu một trong các đồng sở hữu bị hạn chế quyền khi thực hiện giao dịch liên quan đến căn hộ chung cư thì rất có thể không thực hiện được.
Do đó, có thể thấy, mặc dù luật không cấm nhưng khi để con cùng đứng tên trên sổ hồng chung cư, các bậc cha mẹ cũng nên suy xét đến nhiều khía cạnh.
Trên đây là giải đáp về vấn đề: Con có được đứng tên trên sổ hồng chung cư với cha mẹ không? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ Văn phòng Luật sư Hanel để được hỗ trợ, giải đáp.
Tác giả: Biên tập
Nguồn tin: Tổng hợp:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Văn phòng 39 Nguyễn An Ninh
Văn phòng TT Vân Đình